Chỉ trích Cuộc thi sắc đẹp

Tại một số quốc gia trên thế giới, việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp không được khuyến khích, thậm chí bị cấm vì nhiều lý do khác nhau. Sự phát triển của các phong trào nữ quyền tại châu Âu và Bắc Mỹ cũng dẫn đến sự thoái trào của các cuộc thi nhan sắc. Họ cho rằng các cuộc thi sắc đẹp là sự xem thường giá trị của người phụ nữ. Cuộc thi Hoa hậu Thế giới 1970 tổ chức ở Luân Đôn, Anh bị gián đoạn khi những người biểu tình tấn công sân khấu bằng bột mì.

Tại các quốc gia Hồi giáo, việc phô bày thân thể của phụ nữ trong phần thi áo tắm là điều cấm kị. Vì vậy, chỉ có rất ít các nước Hồi giáo tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Năm 2003, Afghanistan là đất nước Hồi giáo đầu tiên tham dự cuộc thi Hoa hậu Trái Đất. Hình ảnh của đại diện nước này trong bộ bikini màu đỏ đã gây rúng động toàn thế giới. Sau đó, năm 2013, cuộc thi Hoa hậu Thế giới tổ chức tại Indonesia, một nước có đa phần dân theo đạo Hồi. Cuộc thi bị nhiều người dân địa phương biểu tình phản đối và thay đổi phần thi áo tắm thành trang phục sarong đi biển kín đáo hơn.[4] Cuộc thi "Hoa hậu Hồi giáo" (World Muslimah) được người theo đạo Hồi tổ chức như một sự đối lập với các cuộc thi sắc đẹp thông thường. Trong cuộc thi này, các thí sinh đều đội khăn trùm đầu và thể hiện sự hiểu biết và lòng trung thành của mình về tôn giáo.[5]

Trên thế giới đầu thế kỷ 21, chỉ còn một số nước chậm phát triển nhưng "cuồng" hoa hậu tại Nam Mỹ và Đông Nam Á như Venezuela, Philippines, Colombia... nhằm thỏa mãn tâm lý thích dùng sắc đẹp để kiếm danh tiếng hoặc lấy chồng đại gia nhằm đổi đời. Còn ở các nước khác, những cuộc thi Hoa hậu chẳng còn được khán giả thế giới chú ý nhiều, đặc biệt là tại các nước phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Khi hiểu biết về quyền phụ nữ được nâng cao, người dân các nước này đã nhận ra rằng thi Hoa hậu thực chất là việc hạ thấp phẩm giá phụ nữ, vì các cuộc thi này xem cơ thể phụ nữ giống như vật trưng bày di động để chấm điểm, buộc phụ nữ phải mặc áo tắm trình diễn hở hang để mọi người bình phẩm, soi mói ngoại hình. Nhiều xã hội văn minh không chấp nhận việc cơ thể người khác (dù xấu hay đẹp) bị đem ra bình phẩm một cách công khai; và một người phụ nữ giàu lòng tự trọng cũng sẽ không dùng cơ thể mình làm vật trưng bày để người khác chấm điểm. Do vậy, những người đẹp ở các nước phát triển không còn muốn thi Hoa hậu nữa, danh hiệu Hoa hậu tại các nước này chỉ còn là "hữu danh vô thực", chẳng có mấy ai quan tâm hoặc nhớ đến những người từng đoạt giải[6]

Bên cạnh đó, các cuộc thi sắc đẹp dành cho thiếu nhi cũng bị chỉ trích gay gắt. Những người phản đối cho rằng những cuộc thi như vậy sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các bé gái khi vai trò của nhan sắc quá được đề cao trong cuộc sống của các em. Năm 2013, Pháp trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấm tất cả các cuộc thi sắc đẹp dành cho thiếu nhi.[7]